“Hạnh phúc là gì ?Bao lần ta lúng túngHỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra”.(Dương Hương Ly)
Sẽ không quá lời khi nói lịch sử loài người đồng hành với lịch sử đi tìm định nghĩa về hạnh phúc. Biển đời thử thách trui rèn con người để con người cập bến bờ hạnh phúc. Phải là người nếm trải cái không hạnh phúc thì mới hiểu thế nào là hạnh phúc.
Con người sau khi được thỏa mãn nhu cầu nào đó thì coi là hạnh phúc, như vậy, trạng thái hạnh phúc xuất hiện từ cảm xúc trừu tượng và dường như chỉ có ở con người. Trong khi hạnh phúc là kết quả của trạng thái cảm xúc trừu tượng bậc cao, chịu sự tác động của lý trí, thì việc đi tìm một định nghĩa về hạnh phúc khác nào công việc “mò kim đáy biển” ?
Là vì đứng từ góc nhìn văn hóa của các tộc người, các quần cư, các vùng miền khác nhau... sẽ cho ra những cách nghĩ, cách cảm, cách nhận định về hạnh phúc khác nhau. Dù ta chưa gặp định nghĩa nào về hạnh phúc đạt tới “mười phân vẹn tám”, tuy vậy việc thiếu vắng định nghĩa hạnh phúc cũng không thể buộc con người ngưng khám phá tìm hiểu về nó.
Hạnh phúc là đặc trưng dường như chỉ có ở loài người. Từ thời Hy Lạp cổ đại, Platon sớm phân loại hạnh phúc theo các tiêu chí: Hạnh phúc xác thịt, hạnh phúc bên ngoài, hạnh phúc bên trong (tâm hồn). Triết gia Heraclitus thì nói “Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc”. Nửa đầu thế kỷ XIX, Karl Marx người Đức cho rằng: “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất”. Lại có người ví “hạnh phúc như một con bướm, ta càng rượt đuổi thì nó càng bay xa hơn, khi ta không để ý thì nó lại tự bay đến gần ta”.
Như đã nói, hạnh phúc là trạng thái cảm xúc trừu tượng bậc cao của giống người, đến nay chưa có định nghĩa nào về hạnh phúc dù ở mức tương đối để cho tổ chức thế giới cấp bằng sáng chế phát minh. Điều hiển nhiên là hạnh phúc không lệ thuộc bất kỳ ai. Hạnh phúc ở trong ta và được hiện ra trong cách nghĩ cách cảm nhận của mỗi người về nó. Gần mà xa xa mà gần, hạnh phúc là cái gì đó thật mơ hồ khiến ta phải nghĩ, phải mơ ước, phải phấn đấu vì nó. Đúng là “mỗi người là một kiến trúc sư cho hạnh phúc của chính mình” (ngạn ngữ Anh).
Chẳng ai cập bến bờ hạnh phúc mà không vượt qua khổ đau, không ngập tràn niềm vui bạn bè. Người không hạnh phúc thường tìm hạnh phúc ở những vật thể - vật chất và cả ở thứ phi vật chất mình có, mà không hề ngờ rằng những thứ ấy chỉ là phương tiện để sống chứ không phải hạnh phúc đang hướng tới. Ai đó đã đúng khi nói rằng, người hạnh phúc là người biết hài lòng, biết thỏa mãn với cuộc sống của mình ở thời điểm hiện tại.
Lạc quan, không cầu toàn, không than vãn kêu ca, bằng lòng với những gì mình đang có; Quan tâm giúp đỡ người khác, không quan tâm người khác đang nghĩ gì về mình, cứ sống giản dị, không ồn ào, không vôi ve bột màu, biết dành thời gian cho bản thân, gia đình, bạn bè, cộng đồng....là người hạnh phúc. Cũng từ góc nhìn này, Frank Tyger người Mỹ, nhà báo, nhà vẽ tranh biếm họa đương đại đã đúng “Làm điều bạn thích là tự do. Thích điều bạn làm là hạnh phúc”. Hạnh phúc! Dường như là hiện tượng cá biệt khiến loài người xưa nay luôn nuôi hy vọng tìm ra định nghĩa về nó; vì vậy càng già người ta càng phong phú trong cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm về hạnh phúc và tình yêu.
Ai đó từng minh triết rằng, trước một trạng thái, hiện tượng mà triết học và các lĩnh vực khác chưa thể lý giải thì thơ ca phát hiện và tự giác lên tiếng. Góp phần lý giải về viên xúc xắc tình yêu nhiều mặt này, Nhà thơ Nga Raxim Gamzatop đã thành công “bỏ biển vào chai”:
Trên đời này tôi chẳng tốt hơn aiNhưng ngày xưa em yêu tôi, vì thếEm tưởng tôi siêu thường như thểTrên đời này tốt nhất là tôi.
Trên đời này tôi chẳng xấu hơn aiNhưng bây giờ em không tin điều ấyEm chỉ thấy tôi sai, vì vậyTrên đời này xấu nhất là tôi.(Thái Bá Tân dịch)
Về hạnh phúc, tôi lục tìm trong bộ nhớ bản dịch tiếng Việt bài thơ nước ngoài, năm 1973 cánh lính trẻ chúng tôi thường chép tay. Sau 50 năm chẳng hiểu sao cái “hộp đen” xộc xệch của tôi vẫn nhớ như in bản dịch bài thơ “Hạnh phúc” này, trong khi tên tác giả bài thơ và tên người dịch ra tiếng Việt thì không nhớ nổi. Bài thơ có câu: “Hạnh phúc - khổ đau như đôi đũa lệch/ Thiếu một chiếc tay người không gắp được/ Nên suốt đời so đũa trước mâm cơm…”. Trong tâm tưởng tôi đến giờ vẫn neo chặt hình tượng thơ: Chàng trai đốt đuốc đi tìm hạnh phúc. Anh cứ mê mải kiếm tìm, mê mải đuổi theo hạnh phúc như cái bóng con chim đại bàng in trên mặt đất. Anh đâu biết xưa nay hạnh phúc luôn ở trong những chú chim sẻ, ngày ngày sà xuống trước mắt, đậu trên vai mà anh cứ bỏ qua...